Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Virus viêm não Nhật Bản chính là tác nhân gây bệnh. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2-6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh).

Nguồn chứa mầm bệnh trong tự nhiên chủ yếu là các loài chim lội nước và hầu hết gia súc như trâu, bò, dê, cừu, chó, lợn đều có thể là ổ chứa mầm bệnh, trong đó lợn có khả năng làm lan rộng virus dễ truyền bệnh cho người nhất.

 

Phương thức lây truyền đó là: Khởi đầu từ các ổ chứa virus mà lợn là động vật đóng vai trò chính. Khi muỗi hút máu của lợn có chứa virus và sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đây là con đường duy nhất khiến lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Cho tới nay chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.

Tại nước ta, căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột, sởi, quai bị và các virus khác chưa biết rõ… Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus.

Triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản:

Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn:

• – Giai đoạn khởi phát: khoảng từ 1 đến 6 ngày. Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.

– Giai đoạn toàn phát: Tiếp tục sốt cao 38°C- 40°C, kéo dài; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón); biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê); biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng); kèm theo rối loạn thần kinh thực vật.

Tỷ lệ tử vong từ 0,3% – 60% tuỳ theo việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm vi khuẩn

– Giai đoạn hồi phục: Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt và/hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.

Phòng ngừa viêm não Nhật Bản.

+ Hiện nay, viêm não Nhật Bản, viêm não ở trẻ em vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phòng ngừa bệnh cần tiêm vacxin, chống muỗi đốt và nhớ nằm màn khi ngủ.

+ Tích cực vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thả cá diệt bọ gậy, thu dọn rác thải, ở vùng nông thôn, miền núi cần loại bỏ tập quán nuôi súc vật như lợn gần nhà vì lợn là ổ chứa virut, muỗi đốt lợn sẽ lan tràn virus đi xa.

Ngoài ra, nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng như tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những mối nguy hiểm cho trẻ.