Tin tức: Thời tiết khắc nghiệt mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não trong đó có viêm não Nhật Bản. Theo các bác sĩ, đây là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ.

Gia tăng số ca viêm não Nhật Bản

Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương hai tuần gần đây luôn trong tình trạng quá tải. Hơn 70 giường tại Khoa Hồi sức cấp cứu chỉ có 11 bác sĩ chính. Một phòng tám giường bệnh chỉ có hai điều dưỡng chăm sóc.

TS, BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, là khoa đặc biệt điều trị tích cực cho các ca nặng, số lượng giường dành cho thở máy chỉ hơn 40 máy nên không thể nào tải được số bệnh nhi nhập viện đông như những ngày nắng nóng vừa qua. Như mọi lần, khoa sẽ có chuẩn bị 2-3 giường trống để sẵn sàng đón các bệnh nhi nhưng vài ngày qua, các cháu phải nằm chờ, thở máy tại khu cấp cứu. Sau khi có giường trống mới nhận bệnh nhân lên.

Mùa hè năm nay, khoa tiếp nhận đột biến các ca mắc viêm não. “Năm nay viêm não Nhật Bản quay lại với tỷ lệ dương tính tương đối. Những ca bệnh này chủ yếu là ở các cháu tại các tỉnh vùng núi phía bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…”, BS Tuấn cho hay.

Viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ tăng cao vì nắng nóng
Bệnh nhi bị mắc viêm não nhật bản

BS Tuấn cho biết thêm, khi khai thác các gia đình có cháu bé mắc viêm não Nhật Bản thì hầu hết đều được trả lời gia đình quên cho con đi tiêm chủng nhắc lại, chỉ chú ý tiêm phòng cho con trong giai đoạn một tuổi. BS Tuấn tiếc nuối nói “Các gia đình chủ quan khi con đã hơn một tuổi, không quan tâm đến thời điểm tiêm chủng. Đó là lý do bệnh có thể phòng nhưng lại không phòng, để xảy ra những ca bệnh mắc viêm não Nhật Bản rất đáng tiếc”.

Ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 2-7, thời tiết nắng nóng rơi đúng vào mùa viêm não Nhật Bản (từ tháng 5 kéo dài đến tháng 7,8) nên bệnh viêm não Nhật Bản đang là căn bệnh gây căng thẳng tại khoa.

TS, BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu mùa đến giờ có khoảng 37 ca viêm não Nhật Bản điều trị tại khoa. So với mọi năm thì không tăng nhưng lứa tuổi mắc năm nay lại cao hơn mọi năm. Hiện tại trong khoa có khoảng gần chục ca viêm não Nhật Bản, hầu hết là những ca nặng. Cháu lớn nhất khoảng 15- 16 tuổi, còn lại đa số là các cháu 10- 12 tuổi. Thông thường trẻ lớn trên 10 tuổi thì có kháng thể tự nhiên, chống lại không mắc viêm não Nhật Bản, nhưng những trẻ không được tiêm phòng, sẽ mắc viêm não.

TS Lâm nói, điều đặc biệt của mùa dịch năm nay là bệnh viêm não Nhật Bản có tuổi mắc lớn hơn. Thông thường viêm não Nhật Bản thường xảy ở độ tuổi 2- 8 tuổi, nhưng năm nay, lứa tuổi nhập viện cao hơn, khoảng 8-12 tuổi, đa số các bệnh nhi vào viện đã ở tình trạng nặng nề. Khi được hỏi, các bậc phụ huynh không nhớ tiền sử tiêm chủng của con, có cháu không tiêm mũi nhắc lại. Đây là lý do làm cho trẻ dễ mắc bệnh.

Theo BS Lâm, có nhiều di chứng do bệnh viêm não Nhật Bản gây nên. “Hiện tại các ca chúng tôi gặp có trẻ liệt tứ chi, nhiều cháu không tự thở được, phải mở khí quản để thở máy kéo dài. Di chứng để lại rất nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của các cháu”, BS Lâm nói.

Tiêm vắc xin phòng VNNB đầy đủ, đúng lịch

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh VNNB, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch. Đây là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi.
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Bên cạnh đó cần xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh cho trẻ những ngày nắng nóng, BS. Trần Thu Thuỷ – BV Nhi Trung ương khuyến cáo cha mẹ cần tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường.

Tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.

Hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm.
Uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu, ví dụ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ. Tắm nước mát cho trẻ.

BS. Thuỷ cũng lưu ý, quạt máy có thể khiến trẻ thấy bớt nóng, nhưng khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, quạt sẽ không giúp phòng ngừa bệnh do nắng nóng. Quạt máy đẩy không khí chạy quanh nhưng không làm nguội không khí (quạt phát huy tác dụng nhiều hơn nếu được đặt gần cửa sổ để mở).

Tắm nước mát hoặc chuyển vào nơi có điều hòa sẽ giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả hơn nhiều. Ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng.