Ở các quốc gia phát triển, việc giáo dục giới tính được đề ra rất sớm và cụ thể… Hãy cùng kimchamcuu.net tìm hiểu về sự giáo dục giới tính của người Nhật và Mỹ.
Cách giáo dục giới tính của người Mỹ
Sáu năm trước, một bà mẹ người Hoa đem đứa con trai vừa tròn 9 tuổi của mình đến nước Mỹ định cư tại New York. Đây là một thành phố đầy rẫy màu sắc tình ái nhục dục. Chưa cần nói phố 42 khu Manhattan có cả một khu phố đèn đỏ nổi tiếng bất hảo, mà riêng chuyện đứa trẻ ngày ngày đến trường phải đi qua một loạt cửa hiệu bán đồ chơi tình dục (sextoy) đã đủ làm cho bà mẹ ấy hết sức lo lắng. Trong hoàn cảnh như vậy, cháu bé 9 tuổi kia khi lớn lên trên đất Mỹ đã nhận được sự giáo dục giới tính ra sao?
Hãy nghe chính bà mẹ kể lại:
Một hôm con trai tôi đi học về. Như thường lệ, tôi mở vòi nước vào đầy bồn tắm để chuẩn bị tắm cho cháu. Chẳng ngờ cháu lại nói: “Mẹ ơi, từ nay trở đi không cần mẹ tắm cho con nữa đâu!”.
“Sao thế?” – tôi cười hỏi lại. “Giáo viên môn sinh lý bảo, vì con là nam giới nên con không được tùy tiện để cho mẹ nhìn thấy cái penis của mình!”
Thấy thái độ cháu rất nghiêm chỉnh, tôi đành thôi, trong bụng thầm trách các thầy cô giáo ở trường cháu đã “bé xé ra to” cái chuyện vớ vẩn này.
Thì ra giáo viên đã cho học sinh cả lớp xem các tranh vẽ đàn ông đàn bà khỏa thân để chúng hiểu được sự khác biệt rõ rệt nhất về sinh lý giữa nam với nữ là ở bộ phận sinh dục. Thằng bé nhìn tôi đàng hoàng nói: “Thầy giáo nói rồi, penis của con trai và vulva của con gái đều thuộc vào những thứ riêng tư kín đáo của một người, không được để bất cứ ai nhìn thấy hoặc sờ vào, trừ thầy thuốc”.
Xem ra giáo dục giới tính của người Mỹ dạy cho trẻ em còn lồng ghép cả nội dung giáo dục tính người: Biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới.
“Sốc” với cách mẹ Nhật dạy con giới tính
Không như ở Việt Nam, các bé đi vệ sinh vẫn cần gọi cô, ngay từ giai đoạn mẫu giáo, trẻ Nhật đã được các cô giáo ở lớp dạy cách sử dụng nhà vệ sinh. Thường các cô sẽ cho bé nam và bé nữ xếp thành hai hàng, đi các nhà vệ sinh khác nhau, học cách sử dụng các vật dụng trong nhà vệ sinh như thế nào và quy trình đúng ra sao.
Giáo dục trẻ nhỏ cũng đi kèm với việc học vệ sinh thân thể, bao gồm: Cách sử dụng giấy vệ sinh hay mặc đồ lót. Ví dụ: các bé gái luôn được cô dạy phải lau vùng kín từ trước ra sau để tránh viêm nhiễm. Các bé trai không được lấy tay nghịch bộ phận sinh dục. Cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở bố mẹ thay đồ lót cho con, đặc biệt là các bé trai vì đồ lót không sạch có thể gây rối loạn chức năng tình dục của bé trong tương lai.
Việc nhận biết về sự khác biệt giữa con trai và con gái được đưa vào chương trình đào tạo từ khi các bé còn học ở mẫu giáo lớn
Chúng ta có thể hơi “sốc” khi nghe những cuộc đối thoại như thế này ở Nhật:
“Sự khác biệt giữa nam và nữ là gì?” Thầy giáo hỏi.
“Quần không giống nhau”, “Áo không giống nhau”, “Chỗ đi tiểu không giống nhau”, “Nam có dương vật nhỏ còn nữ thì không”…các học sinh thi nhau trả lời.
“Nữ còn có thể tiết sữa ạ”, một cô bé bổ sung
“Nhưng tại sao nam lại không có sữa ạ?”, bé khác thắc mắc
“Bởi vì nữ cần sữa để nuôi con. Tất cả chúng ta lớn lên đều ăn sữa mẹ đúng không nào?”, và từ đó, cô giáo cũng tận dụng cơ hội để giới thiệu về vai trò giới và sự khác biệt trong gia đình.
Những cuộc thảo luận như vậy không hề hiếm tại các trường mẫu giáo lớn ở Nhật. Người Nhật cho rằng giai đoạn đi mẫu giáo là cơ hội tốt để dạy trẻ về giới tính, để các bé nhận thức được về vai trò giới, hiểu được sự khác biệt giữa một cậu bé và một cô bé là ở điểm nào để thiết lập ý thức tự bảo vệ.
Kiến thức sinh sản cũng không nằm ngoài lề
Trẻ tiểu học sẽ học về kinh nguyệt, nguyên tắc khi mang thai, đọc những cuốn sách tranh mô tả sơ lược quá trình “tạo ra em bé” của bố mẹ. Trẻ trung học sẽ học về các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các khía cạnh đạo đức. Việc phổ cập giáo dục giới tính ở Nhật Bản dường như khiến các ông bố bà mẹ thoải mái hơn nhiều khi không phải lo đối mặt với những thắc mắc, băn khoăn của trẻ ở độ tuổi mới lớn nhiều tò mò.
Dạy cho con biết về giới tính, sinh sản và cách tự bảo vệ mình ngay từ tấm bé là một trong những quan điểm tôi vô cùng khâm phục tại Nhật Bản. Thay vì để “hươu’ tự chạy lung tung, tại sao chúng ta không “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng chạy theo một lộ trình đúng đắn?