Bệnh lồng ruột là một trong những bệnh lý trẻ em hay mắc phải gây ra nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Cùng tìm hiểu thêm thông tin về căn bệnh này nhé!

1. Bệnh lồng ruột ở trẻ em

Tương tự như lồng ruột ở người lớn, bệnh lồng ruột ở trẻ em là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột, gồm có ruột non và ruột già. Đây là chứng bệnh trong đó một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Khi chui vào kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào theo, hậu quả là tạo nên sự thắt nghẹt các mạch máu này, gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời lồng ruột ở trẻ em sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột và gây nên viêm phúc mạc (màng bụng).

Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí bệnh lồng ruột ở trẻ
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí bệnh lồng ruột ở trẻ

2. Nguyên nhân gây bệnh lồng ruột ở trẻ

Ở trẻ em, nguyên nhân gây lồng ruột còn chưa rõ ràng. Bệnh lý này thường xuất hiện nhiều hơn vào các mùa có dịch virus, vì vậy có ý kiến cho rằng lồng ruột liên quan tới các loại virus gây bệnh ở trẻ, trong đó có virus gây nhiễm khuẩn hô hấp như adenovirus.

Ở trẻ dưới 3 tháng hay trên 5 tuổi, lồng ruột thường liên quan nhiều tới các tổn thương thực thể như hạch bạch huyết sưng to, các khối u lành tính hoặc ác tính, dị dạng ruột Nguyên nhân hay gặp nhất của bệnh lồng ruột ở trẻ em là do trước đó trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột hoặc tiêu chảy do thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường, sức đề kháng của trẻ lại yếu.

Trong một số trường hợp, lồng ruột có thể xuất hiện sau một đợt viêm dạ dày đại tràng cấp tính. Vi khuẩn hay virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể làm phù nề các hạch bạch huyết ở ruột, gia tăng nhu động ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho lồng ruột

3. Dấu hiệu trẻ bị bệnh lồng ruột

Đại tiện ra máu

Trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, đại tiện ra máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú.

Đau bụng

Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.

Nôn

Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng. Nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.

Khóc thét từng cơn

Trẻ đang ăn, chơi bình thường đột nhiên khóc thét từng cơn. Trong cơn khóc, trẻ ưỡn người, bỏ bú, khóc kéo dài độ vài phút sau đó nằm yên 10-15 phút lại tỉnh dậy, có thể bú một ít rồi lại khóc tiếp. Trẻ khóc là do cơn đau bụng dữ dội. Khóc nhiều khiến trẻ mệt, mặt trắng bệch, lưng cong ưỡn lên, hai tay nắm chặt, chân co lại hay đạp lung tung.

4. Cách xử trí khi trẻ bị bệnh lồng ruột

Do lồng ruột diễn biến rất nhanh nên ngay khi trẻ có biểu hiện khóc thét, bỏ bú và nôn, cần đưa ngay trẻ tới một cơ sở cấp cứu ngoại khoa. Các bác sĩ sẽ xác định bệnh qua thăm khám và siêu âm.

Nếu đúng là lồng ruột, trẻ sẽ được tháo lồng bằng hơi, nghĩa là bằng cách đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng. Dưới hướng dẫn của máy X-quang tại chỗ, các bác sĩ sẽ bơm hơi dần vào ruột già với một áp lực vừa phải cho đến khi khối lồng được tháo ra hoàn toàn.

Nếu trẻ được đưa đến quá muộn (thường trên 6 giờ) thì thường cần phải phẫu thuật để tháo khối ruột lồng.

Trong trường hợp đến trễ hơn 24 giờ, đoạn ruột lồng đã chui sâu vào nhau gây sưng nề, tắc nghẽn mạch máu và hoại tử, các bác sĩ phải phẫu thuật để cắt đoạn ruột đó. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn và phức tạp, trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.

Bài viết trên của kimchamcuu đã cung cấp thêm thông tin cần biết cho độc giả về bệnh lồng ruột ở trẻ hy vọng sẽ giúp ích độc giả trong việc bảo vệ sức khỏe của con em mình nhé!