Nỗi lo các sản phẩm đều “ngậm hóa chất” khiến người dân đang có lối sống quay trở về với thiên nhiên. Ưa chuộng những sản phẩm từ thảo dược chỉ có riêng ở Việt Nam đang trở thành lối sống khỏe của nhiều nước trên thế giới.
Cuộc sống hàng ngày “ngậm hóa chất”
Theo kimchamcuu.net cập nhật, trong 50 năm qua, với sự phát trỉển của công nghiệp, con người đã tổng hợp hơn 80.000 hợp chất hóa học mới, mỗi năm có thêm 1000 hóa chất mới được tạo ra. Đó là những chất nhân tạo. Không một chất nào trong số này tồn tại một mình nó trong tự nhiên và chỉ một nửa được thử nghiệm về ảnh hưởng của chúng đến con người.
Các chất có khả năng gây nguy hiểm nhất, cần tránh tối đa là kim loại nặng, hợp chất chứa clo hữu cơ, các chất ô nhiễm hữu cơ bền vững. Chúng có những đặc điểm tương tự nhau: tích lũy trong cơ thể người và động vật, tồn tại trong môi trường một thời gian dài mà không bị phân hủy, có độc tính cao ngay cả ở liều lượng rất thấp, và có mặt ở khắp nơi. Nhiễm độc các hóa chất này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sinh vật hoang dã.
Người dân Việt đang từng ngày từng giờ tìm cách quay trở lại với tự nhiên. Thậm chí người dân tự trồng rau, tự chăn nuôi theo xu hướng tự sản tự tiêu để tìm được nguồn thực phẩm nào tốt nhất cho cơ thể và hạn chế hóa chất nhất.
Có 3 cách các hóa chất độc có thể đi vào cơ thể: thông qua đường ăn uống, đường hô hấp hoặc tiếp xúc qua da.
Hóa chất hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, trong thực phẩm chúng ta ăn, trong nước chúng ta uống, trong sản phẩm vệ sinh cá nhân và mỹ phẩm dùng hằng ngày, ngay cả trong không khí chúng ta hít thở.
Lối sống hướng về thảo dược tự nhiên
Mới đây, tại hội thảo về “Thảo dược thiên nhiên với sức khỏe con người”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay, nhiều nước trên thế giới với xu hướng “trở về thiên nhiên” nên việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng gia tăng, những thuốc này phù hợp với qui luật sinh lý của cơ thể con người mà rất ít những tác động có hại.
Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có vùng dược liệu thiên nhiên phong phú, tuy nhiên thực tế những năm gần đây nguồn dược liệu tự nhiên của chúng ta đang bị tàn phá do việc thu hái không có kế hoạch, nhiều loại thảo dược quý đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Người dân thu hái và trồng dược liệu rồi bán thô cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, sau đó chúng ta lại nhập lại dược liệu về để phục vụ công nghiệp dược trong nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, y học cổ truyền là y dược truyền thống của dân tộc và việc phát triển các loại thảo dược tự nhiên để phòng và trị nhiều bệnh trong đời sống hàng ngày như uống trà vối dễ tiêu, gừng, hành, tỏi làm gia vị và phòng bệnh đã được người dân Việt Nam áp dụng từ lâu.
Trong khi đó, Việt Nam là nước có nguồn dược liệu quý chưa được quy hoạch, khai thác còn bất cập, nhiều dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Việc phát triển cây dược liệu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, không chỉ giúp chăm sóc sức khoẻ nhân dân mà cây dược còn giúp người dân xoá đói giảm nghèo.
Đề án phát triển ngành dược đến năm 2030 là phát triển bền vững, gắn dược liệu với công nghiệp, xã hội hoá để nhiều thành phần tham gia phát triển, khai thác giá trị tiềm ẩn cây thuốc.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y đã có nhiều văn bản, phương châm là kết hợp Đông – Tây y và trực tiếp là đề án phát triển ngành dược 2030 phát triển bền vững, gắn dược liệu với công nghiệp, xã hội hoá để nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển, khai thác giá trị tiềm ẩn cây thuốc từ trồng trọt, thu hái, phân phối và chế biến dược liệu quý thành nguồn nguyên liệu làm thuốc tân dược, y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các thực phẩm bổ dưỡng khác vừa giúp người dân bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống ấm no.