Hội chứng trầm cảm là loại rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Bệnh do hoạt động của bộ não bị rối loạn gây nên tạo thành những biết đổi thất thường trong suy nghĩ hành vi và tác phong.
Có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới với tỷ lệ giới tính: nam/nữ = 1/2, giá trị này chỉ là ước chừng vì còn tùy vào nền văn hóa và dân tộc
Vì sao chúng ta bị trầm cảm?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến một người bị trầm cảm: một biến cố xảy ra trong cuộc đời, do di truyền, hay thậm chí có thể đơn giản là vì… thời tiết. Tuy nhiên, lý do phổ biến nhất là áp lực, hay stress.
Trong cuộc sống, chúng ta phải đối diện với rất nhiều tình huống gây áp lực. Thi cử, học hành, công việc, tình yêu, đám cưới hoặc sinh con… đó đều là những áp lực dồn nén mà chúng ta chẳng có cách nào khác ngoài việc hứng chịu.
Áp lực dẫn đến trầm cảm là một chứng bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại
Những áp lực như vậy trong ngắn hạn có thể đem lại một số lợi ích nhất định, ví dụ như lượng adrenaline tiết ra làm tăng sự tập trung. Tuy nhiên, hormone stress cortisol lại gây cản trở tế bào nội mô trong mạch máu, dễ gây tắc mạch máu và làm tích tụ cholesterol có hại. Về lâu dài, stress sẽ làm tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tác hại lớn nhất của stress. Khi phải hứng chịu đủ thứ áp lực mà không có cách nào giảm tải, bạn hoàn toàn có thể mắc trầm cảm, và đó mới là vấn đề.
Mất ngủ
Người bị trầm cảm thường rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ được rất ít, hay bị tỉnh giấc giữa đêm lúc 2 – 3 giờ và không thể ngủ tiếp được nữa. Đôi khi người bệnh cảm thấy rất thèm ngủ lại không ngủ được hay ngủ được nhưng lại cảm thấy khó chịu. Hoặc cũng có thể là ngủ nhiều hơn mức bình thường.
Chán ăn
Nếu trong một khoảng thời gian dài không muốn ăn, ăn ít, ăn không ngon dẫn đến sụt cân hoặc bạn ăn nhiều đến mức tăng cân vòn vọt, hãy tìm hiểu nguyên nhân. Vì dù cho đây là dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm hay không thì việc ăn uống thất thường luôn dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác.
Ngại giao tiếp
Người bị trầm cảm luôn có suy nghĩ không muốn giao tiếp với tất vả mọi người, kể cả với người thân, họ nói rất ít và lười vận động. Họ thích ở một mình im lặng trong một góc. Vì thế, nhìn người bị trầm cảm bạn luôn có cảm giác buồn, cô độc và lẻ loi.
Cơ thể khó chịu, không yên
Bởi vì ăn ngủ không ngon nên người bệnh có hiện tượng bị suy kiệt sức khỏe như: đau đầu, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đau ngực, khó thở, táo bón, sợ lạnh kèm theo đó là tinh thần không yên, bồn chồn, lo lắng, hồi hộp.
Chậm chạp, không có hứng thú với bất kỳ điều gì
Người bệnh trầm cảm thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nghĩ và hành động luôn chậm hơn so với bình thường, cảm thấy xung quanh ảm đạm, buồn tẻ, không có hứng thú với công việc, vui chơi giải trí hay thậm chí là cả trong việc sinh hoạt vợ chồng.
Đầu óc của họ khó có thể tập trung, luôn do dự trước các quyết định, không đối phó được các tình huống cần xử lý. Vì thế, ta có thể cảm nhận được xung quanh người bệnh trầm cảm thời gian như chậm lại, mọi thứ đều chậm chạp, nặng nề và ảm đạm.
Luôn tự ti về bản thân
Họ luôn có cảm giác mình không xứng với bản thân và người xung quanh, tự vơ các sai lầm về phía mình cho dù không phải và cảm thấy tội lỗi. Họ tự nhốt mình vào thế giới riêng và cô lập chính bản thân bởi những suy nghĩ ảo giác của họ.
Có ý nghĩ tự sát hoặc đã từng tự sát
Họ luôn cho rằng mình là gánh nặng cho cả gia đình, là người thừa thãi, không đáng được ăn uống, không xứng được sống. Vì ý nghĩ này nên nhiều người bệnh trầm cảm có những hành động tiêu cực mà họ cho đó là hình phạt mà mình phải nhận để giảm tội lỗi và thoải mái trong tâm hồn như tự hành xác, muốn tự tử…
Điều cần làm khi thấy triệu chứng trầm cảm
– Không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, cho người thân.
– Khi phát hiện người bị trầm cảm phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm sẽ tránh được cơn trầm uất, thất thần quẫn trí.
– Khám bác sĩ chuyên khoa, uống thuốc rồi cũng phải theo dõi đề phòng triệu chứng nặng thêm.
Lời khuyên khi đi khám bác sĩ
– Nếu bệnh nhân đã tìm cách quyên sinh rồi thì phải “cấp cứu” bệnh viện gần nhất.
– Cần đi khám và điều trị ở bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Đừng mất thời gian uống thuốc từ bác sĩ không đúng chuyên khoa.
– Bác sĩ chuyên khoa tư vấn giải thích đúng cơ chế, có kinh nghiệm chọn thuốc chống trầm cảm, biết dùng thuốc điều chỉnh khí sắc và lường trước tác dụng phụ của thuốc. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, chọn đúng, dùng đúng chiến lược, bài bản mới giúp tỷ lệ khỏi bệnh cao, ít tái diễn.