Buổi trưa mùa đông, những toán học sinh tan trường nhanh chóng trở về nhà bên mâm cơm ấm chờ sẵn. Riêng có cậu học sinh Nguyễn Thành Công (16 tuổi, học lớp 9) phân vân chẳng biết nên về nhà hay không. Sau cùng, cậu đi hướng ngược lại nhà mình, đến ngôi đền cạnh trường học kiếm cái lót dạ. Cả tuần rồi, Công chẳng được ăn miếng thịt nào. Cậu biết chắc, giờ này về nhà cũng không có cơm mà ăn.
Cách đó chừng một km, trong căn nhà lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang ở thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), chị Bình (54 tuổi), ngồi thu lu trên cái chiếu dưới nền nhà. Người em trai tên Lâm (31 tuổi), cũng co ro trên chiếc giường cạnh đó. Hai chị em vẫn đang cặm cụi thông tâm sen từ sáng tới giờ chưa nghỉ.
Quá giờ ăn mà cái kiềng đặt phía góc nhà nguội lạnh. Trên bếp có độc một nồi cháo cho lũ chó con. “Tôi với cậu em ăn từ sáng rồi. Bữa trưa không ăn nữa”, người phụ nữ tóc ngả bạc nhưng chỉ cao bằng đứa trẻ lên 2, nói.
Nắng đổ bóng trước thềm nhà mà không thấy con đi học về, chị Bình đoán chừng thằng bé lại đến chỗ ông cụ coi đền ăn cơm. “Ông ấy thương nó, hay cho nó ăn lắm”, người mẹ nói thêm.
Vì lùn mà chị Bình, anh Lâm và cả cậu bé Công phải sống cuộc đời đói, khổ.
Chị Bình có chiều cao chỉ 0,8 m, Công được 0,9 m, còn anh Lâm được 1,1 m. Cả ba người đều ngồi trên chiếc ghế nhựa chạm chân không tới đất. Mỗi lúc bật hay tắt điện, họ phải leo lên ghế để làm. Dây phơi quần áo chỉ cao ngang vai người bình thường, nhưng chị Bình phải chật vật mới vắt được quần áo lên đó.
Người phụ nữ khắc khổ kể, chị sinh ra trong gia đình rất nghèo. Mẹ bị tật ở chân, bố có chiều cao khiêm tốn. Năm 1986 em trai chị ra đời, chẳng bao lâu thì người cha mất. Vài năm sau người mẹ cũng rời bỏ hai chị em. Từ bấy, Bình và Lâm như hai “sọ dừa” lăn lóc thế gian.
“Mẹ mất được một tuần là hai chị em tôi dắt nhau đi ăn xin. Chúng tôi đã đi khắp các làng xã trong tỉnh này. Ban đầu bị lũ trẻ trêu nhiều lắm. Nhưng khi quen thì chúng hay cho chúng tôi ăn và còn dẫn đến những nhà khá giả, được họ cho tiền nữa”, chị nhớ lại.
Hồi ấy, họ cũng được chia cho 3 sào ruộng. Nhưng ruộng lầy, lần đầu tiên bước xuống, người thường chỉ ngập đến mông, còn chị em chị Bình thì tới ngực, tiến không được, lùi cũng chẳng lấy đâu ra sức. Sợ quá, họ không thể làm ruộng nữa mới phải đi ăn xin.
Thấm thoát thoi đưa, hai chị em sống vạ vật, quen ăn cơm nguội, uống nước lã, xin quần cộc của người ta để làm quần mùa đông cho mình.
Năm 2000, chị Bình quen biết một người đàn ông và sinh ra được bé Công. Tuy nhiên, người đó bặt vô âm tín từ lúc biết chị mang bầu. Chẳng có ai mà nhờ cậy, hai chị em càng vất vả hơn để lo cho một đứa trẻ, nhưng chí ít mỗi ngày nhìn thấy đứa bé khôn lớn cũng cho họ niềm vui.
“Tôi không có sữa cho con bú, cũng chẳng có tiền mua sữa. Nhiều đêm con quấy khóc vì đói, cậu em tôi toàn phải đi gõ cửa những nhà đang cho nuôi con nhỏ trong xóm để xin sữa về cho cháu lót bụng. Thằng bé lớn lên chút, thì chúng tôi nấu cháo lấy nước cho uống”, chị rơm rớm nhớ lại.
Vì lùn mà đời mình khổ, nên mỗi lần cầu trời khấn Phật, chị Bình chỉ có duy nhất một điều ước, là con trai sẽ có chiều cao bình thường. Nhưng, cậu bé sinh ra vốn như đứa trẻ bình thường, càng lớn chỉ thấy cái mặt già đi, người to lên, chứ đôi chân thì giống mẹ, giống cậu – đều lủn củn như bắp ngô.
Vì phải chăm sóc bé Công nên hai chị em Bình bỏ nghề ăn xin. Những năm đó, anh Lâm cũng bước sang tuổi đôi mươi, anh xin đi phụ hồ, quét vôi, nhặt đồng nát. Còn ba sào ruộng thì cho người khác cấy, mỗi vụ họ đóng cho 40 kg thóc.
“Mấy năm gần đây chúng tôi được tạo cho nghề thông tâm sen. Họ mang đến tận nhà, mỗi cân được trả 5.000 đồng. Cứ hai ngày là chúng tôi thông được 5 cân”, anh Lâm cho biết.
Tính ra, gia đình ba người họ có thu nhập chưa đến 13 nghìn đồng mỗi ngày. Cũng vì thế, họ chỉ cố gắng đong gạo để không bị đói và thông thường chỉ ăn ngày hai bữa. Thức ăn chủ yếu là rau dại, sang lắm thì có đậu phụ chấm tương hoặc ít bì lợn.
Bà Thúy, hàng xóm của chị Bình cho hay, tháng trước có một đoàn hảo tâm đã đến làm giúp mái tôn cho nhà chị Bình, chứ nếu không mùa đông này chắc cả ba người sẽ không thể trụ được. “Nhà này xây từ thời cụ thân sinh ra bố bà Bình. Dạo trước, hôm nào mưa thì dột không có chỗ mà ngồi, bụi, mọt rơi vãi đầy nhà, họ cũng quét đấy mà mỗi lúc tôi sang chơi thì không thấy có chỗ mà đặt chân”, bà Thúy nói.
Mùa đông nhiều nhà chăn trên, đệm dưới vẫn kêu lạnh, còn chị Bình thì đã quen với cái chiếu rách trải dưới nền gạch lỗ chỗ. Bao năm nay, trong nhà có mỗi chiếc giường 1m6, là nơi cho hai cậu cháu ngủ, còn người phụ nữ này thì nằm đất. Mùa hè thì không sao, chứ mùa đông vết thương ở chân – sau một vụ tai nạn bị gãy phải đóng 11 cái đinh – tái phát khiến chị đau nhức cả đêm, có muốn ngủ cũng chẳng được.
Hiểu nỗi khổ của mẹ và cậu, chàng thanh niên Nguyễn Thành Công chỉ có một mong ước được học hết lớp 12, rồi sau này nhờ có con chữ mà kiếm được một công việc bàn giấy.
Anh Nguyễn Văn Công, Phó trưởng thôn Nội Lễ, cho biết: “Gia đình chị Bình thuộc diện nghèo nhất của thôn. Thôn đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng đến nay cũng chỉ giúp được gia đình ở trong diện hộ nghèo, có được bảo hiểm y tế. Mỗi tháng, họ được trợ cấp 100 nghìn đồng”.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng các thông tin trong bài viết chỉ là sự tham khảo. Bạn cần suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định của mình. Đừng quên thường xuyên kiểm tra trang web để cập nhật thông tin hữu ích."