Rối loạn lo âu (tiếng Anh: anxiety disorder) là một trong các rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao, bệnh thường kết hợp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn dạng cơ thể.
Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý.
Tại Hoa Kỳ, lo âu đứng hàng đầu trong số các tâm bệnh nhưng chỉ 25% bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị. Bệnh lo âu thấy ở mọi người, mọi giới, mọi tuổi nhưng nữ giới thường bị bệnh nhiều gấp đôi.
Bạn hoàn toàn có thể nhận biết được mình có bị bệnh hay không dựa vào những dấu hiệu đơn giản dưới đây:
1. Căng cơ
Lo lắng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến sinh lý. Căng thẳng gia tăng làm giảm lưu lượng máu và oxy đến các mô, gây ra sự tích tụ các chất chuyển hóa tế bào, khiến các cơ bắp bị căng và đau nhức.
2. Đau đầu
Đau đầu là hệ quả của vấn đề căng cơ do lưu lượng máu lưu thông kém. Bạn có thể cảm nhận cơ mặt bị căng nhức xung quanh khu vực mắt và tai.
3. Lo lắng quá mức
Đó là khi bạn lo lắng đến các vấn đề mà thực tế không hề xảy ra. Bạn luôn nghĩ mọi thứ đang dần tệ đi và dự đoán rằng mọi thứ sẽ còn tệ hơn nữa. Bạn có thể lo lắng dai dẳng trong hầu hết các ngày trong tuần, kéo dài trên sáu tháng, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày và kèm theo các triệu chứng đáng chú ý như: Mệt mỏi, căng cơ, đau nhức toàn cơ thể.
4. Khó tập trung
Bạn cố gắng tập trung để giải quyết vấn đề nhưng nhanh chóng phát hiện mình chỉ đang tập trung vào một khoảng không. Ngay cả suy nghĩ đơn giản cũng có thể khiến bạn mệt mỏi. Bên cạnh đó, căng thẳng kéo dài sẽ gây mất tập trung trong công việc, thậm chí cả trong khi lái xe.
5. Đổ mồ hôi
Mồ hôi được gây ra do sự căng thẳng khác với mồ hôi khi bạn luyện tập thể thao, chúng tập trung chủ yếu ở khu vực da dưới cánh tay hoặc lòng bàn tay.
6. Buồn nôn
Thay đổi về tâm lý tác động đến tất cả các bộ phận trong cơ thể, kể cả hệ tiêu hóa. Chúng kích thích hoạt động của một loại virus trong dạ dày, gây nên chứng buồn nôn.
7. Rối loạn giấc ngủ
Bạn rất khó khăn để chìm vào giấc ngủ. Liên tục buồn ngủ hoặc thiếu ngủ đều có những tác động không tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là làm mất đi trạng thái yên bình của tâm trí. Đồng thời đây cũng là một trong những thứ đầu tiên bị ảnh hưởng nếu bạn bắt đầu bị rối loạn lo âu.
8. Run rẩy
Run rẩy cũng là một dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu – đặc biệt là nếu run rẩy xảy ra trong tình huống căng thẳng cao và tiếp tục ngay cả sau khi bạn đã cố gắng xoa dịu chúng.
Những triệu chứng biểu hiện của lo âu thường rất giống với biểu hiện của những bệnh lý nội khoa khác và chính vì vậy bệnh nhân khi có những biểu hiện này thường đến các thầy thuốc chuyên khoa về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp… và khi bệnh nhân đến với thầy thuốc chuyên khoa tâm thần thì họ đã được điều trị ở rất nhiều chuyên khoa khác nhau, bằng nhiều loại thuốc chuyên khoa và thậm chí cả những thủ thuật can thiệp cao cấp, đắt tiền như đốt nút xoang để nhằm làm giảm nhịp tim… nhưng, tất cả những sự can thiệp và điều trị này đều thất bại và lúc đó bệnh nhân mới được gửi đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần.