Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus có tên Varicella Zoster gây nên, đây là một bệnh rất dễ lây truyền.
Nguyên nhân và triệu chứng
Nguyên nhân gây bệnh chính là do Varicella – Zoster, loại virus này được tìm thấy trong bóng nước và dịch hầu họng của người bị bệnh. Đây là căn bệnh cực kỳ dễ lây lan. Tất cả các đối tượng đều có nguy cơ mắc căn bệnh này, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn tuổi, độ tuổi thường bị bệnh nhất là từ 2 – 8 tuổi, bệnh ở người lớn thường nặng hơn là ở trẻ nhỏ.
Con đường lây truyền của bệnh là qua đường hô hấp khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi, nước bọt bắn ra xung quanh. Bệnh cũng có thể lây truyền gián tiếp qua đồ dùng cá nhân có dính chất dịch như quần áo, chăn mà hay khăn mặt.
Đặc biệt, khi quan hệ với người bị bệnh cũng có thể khiến bạn bị lây nhiễm.
Triệu chứng nhận biết
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là những mụn nước có đường kính từ 1 – 3 mm xuất hiện ở khắp cơ thể như mặt, chân tay, những mụn nước này chỉ trong thời gian ngắn tư 12h đến 1 ngày có thể lan ra toàn thân. Trong mụn có chứa dịch trong, nếu bị nhiễm vi khuẩn mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Ngoài mụn nước còn các triệu chứng khác như: ngứa ngáy, biếng ăn, đau đầu, sốt nhẹ, đau cơ, nôn.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ em
Trẻ có biểu hiện sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn
Có khoảng 90% trẻ em sẽ mắc bệnh thủy đậu nếu có người thân bị nhiễm bệnh. Bệnh chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp, khi trực tiếp tiếp xúc với người bị bệnh, sẽ bị nhiễm nếu hít phải virus khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi. Virus này có thể tồn tại trong không khí khoảng vài giờ.
Dấu hiệu đầu tiên khi lên cơn bệnh chính là sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn trái rạ hoặc lên đến hơn 500 mụn trên thân thể.
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, các bệnh nhân thường có biểu hiện như sốt từ 38-39 độ, uể oải, hay chán ăn, họng bị viêm đỏ và có hạch sau tai. Nếu phát hiện sớm và được điều trị đúng cách, đồng thời tăng sức khỏe đề kháng thì người chỉ nổi ít mụn và nhanh khỏi hơn.
Mụn nước có kích thước từ 1 – 3 mm đường kính có chứa dịch trong. Tuy nhiên các trường hợp bị bệnh thủy đậu nặng thì mụn nước sẽ to hơn hoặc khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Các biến chứng có thể gặp khi mắc thủy đậu
Nhiễm trùng và để sẹo
Biến chứng thường gặp nhất ở bệnh thủy đậu là nhiễm trùng da. Các nốt thủy đậu thường gây ngứa khiến người bệnh không kiềm chế được và gãi liên tục nên gây nhiễm trùng, mưng mủ và vỡ ra lây lan sang các vùng da khác. Trong trường hợp này, bệnh có thể để lại sẹo nặng cho da. Thậm chí nặng hơn có thể dẫn đến viêm mô tế bào và nhiễm trùng máu nguy hiểm.
Viêm phổi
Biến chứng viêm phổi thường ít khi xảy ra, nhưng nếu đã xảy ra thì rất nguy hiểm. Biến chứng này thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 5 của quá trình bệnh với các biểu hiện như sốt cao, khó thở, thở gấp, đau tức ngực, ho ra máu… nặng nhất là người bệnh có thể tử vong.
Viêm não
Viêm não do thủy đậu cũng không là trường hợp hiếm. Biến chứng này thường kèm theo các cơn co giật, hôn mê có thể để lại di chứng thần kinh lâu dài như chậm phát triển, động kinh, bị điếc… nặng hơn là sống đời thực vật hoặc tử vong.
Biến chứng đối với phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai nếu bị thủy đậu rất dễ dẫn đến sẩy thai hoặc trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh như đầu nhỏ, tay chân ngắn, bại não, sẹo bẩm sinh…